Lịch sử các kỳ World Cup đã chứng kiến nhiều chú ngựa ô xuất hiện, làm chao đảo và tạo ra rất nhiều bất ngờ ở giải đấu này.
Triều Tiên (World Cup 1966)
Trước khi tuyển Triều Tiên hành quân sang Anh, Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) đã đến gặp mặt và động viên các cầu thủ: “Các đối thủ của châu Âu và châu Mỹ đều rất mạnh. Nhưng điều đó không thể làm nhụt ý chí thi đấu của chúng ta. Vì màu cờ sắc áo, các bạn hãy thi đấu hết mình và cố gắng thắng tối thiểu một trận để đem lại vinh quang cho tổ quốc”.
Những lời động viên của chủ tịch Kim là nguồn động lực to lớn cho các cầu thủ. Ở kỳ World Cup tổ chức trên đất Anh, CHDCND Triều Tiên đã cháy hết mình dù rơi vào bảng khó, nơi có sự hiện diện của cựu vô địch châu Âu Liên Xô, bên cạnh Chile – đội đang giữ huy chương đồng khi đó và người khổng lồ từng hai lần liên tiếp vô địch thế giới Italy. Sau thảm bại 0-3 trước Liên Xô và trận hòa 1-1 với Chile, đội bóng Đông Á củng cố vị trí “đội lót đường”. Nhưng rồi bất ngờ chấn động đã xảy ra. Trong trận cuối vòng bảng, Triều Tiên chơi như lên đồng, hạ Italy với tỷ số 1-0 và loại luôn đối thủ khỏi cuộc chơi.
Tại tứ kết, đại diện châu Á suýt chút nữa tạo cơn địa chấn tiếp theo khi dẫn trước Bồ Đào Nha tận 3 bàn chỉ sau 24 phút nhưng không bảo vệ được chiến thắng vì cú poker của huyền thoại Eusebio đã giúp BĐN ngược dòng không thể tin nổi với tỷ số 5-3.
Bulgaria (World Cup 1994)
Trước World Cup 1994, Bulgaria đã có 5 lần tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới với thành tích không thắng nổi bất kỳ trận nào. Phải nhận thất bại muối mặt 0-3 ngay trận ra quân gặp Nigeria nhưng Bulgaria đã thắng hai trận còn lại trước Hy Lạp và Argentina để bước vào vòng 2 với tư cách đội nhì bảng.
Tiếp đó, Bulgaria tiếp tục đánh bại Mexico ở vòng hai. Ở tứ kết, thử thách hóa cực đại khi đối thủ của họ là nhà ĐKVĐ Đức. Lothar Matthaus huyền thoại đã mở tỷ số cho Die Mannschaft nhưng hai bàn thắng chỉ trong vòng 3 phút của Stoichkov và Yordan Letchkov đã biến Đức thành nhà cựu vô địch. Bulgaria thực sự tạo nên địa chấn gây sốc cho tất cả. Phép màu của Bulgaria chấm dứt ở vòng bán kết trước Italy, á quân của giải đấu năm đó.
Croatia (World Cup 1998)
Sau khi tách ra từ liên bang Nam Tư vào năm 1991, Croatia đã gây ra khá nhiều bất ngờ trong các giải đấu danh giá ở cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Cú sốc đầu tiên mà các cầu thủ áo ca-rô tạo nên là thành tích lọt vào tới tứ kết Euro 1996. Tuy nhiên, Croatia chỉ thực sự gây tiếng vang khắp thế giới sau khi đội bóng này tạo nên cơn địa chấn tại World Cup hai năm sau đó trên đất Pháp.
Nằm cùng bảng H với Argentina, Jamaica và Nhật Bản, Croatia giành 6 điểm sau 3 loạt trận. Đội bóng thuộc bán đảo Balkan cùng các vũ công Tango dắt tay nhau vào vòng sau. Tại vòng 1/8, đội bóng của những huyền thoại Zvonimir Boban, Robert Prosinecki và Davor Suker hạ gục Romania bằng bàn thắng duy nhất của Suker thực hiện trên chấm phạt đền. Thách thức thực sự đến với Croatia khi họ đụng độ Đức tại tứ kết. Song đây lại là trận đấu tôn vinh Suker và đồng đội khi Croatia nghiền nát “Cỗ xe tăng Đức” với tỷ số 3-0.
Rất tiếc cho Croatia, ở bán kết họ lại gặp chủ nhà Pháp. Davor Suker đưa đội nhà vươn lên dẫn trước ngay đầu hiệp 2, song trong một ngày trung vệ Lilian Thuram “hóa thánh” với 2 bàn thắng, Pháp đã ngược dòng thành công. Ở trận tranh hạng ba, đoàn quân áo ca-rô hoàn tất câu chuyện cổ tích của mình bằng việc vượt qua Hà Lan với tỷ số 2-1 để cán đích vị trí thứ ba. 6 bàn thắng ghi được cho Croatia giúp Davor Suker trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup năm đó.
Thổ Nhĩ Kỳ (World Cup 2002)
World Cup 2002 là giải đấu tạo ra nhiều cú sốc nhất trong lịch sử. Từ việc Pháp và Italy – những ứng cử viên số một cho chức vô địch sớm bị loại, đến việc chủ nhà Hàn Quốc lọt vào tới bán kết, giới mộ điệu còn được chứng kiến một cú sốc khác đến từ các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2002 chính là kỳ World Cup đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sau 48 năm vắng bóng. Ở vòng bảng, Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua Costa Rica và Trung Quốc để cùng Brazil dắt tay nhau vào vòng 1/8. Ở vòng này Hakan Sukur cùng đồng đội vượt qua đồng chủ nhà Nhật Bản với tỷ số tối thiểu.
Hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được biết đến sau khi họ tiếp tục đánh bại Senegal (một ngựa ô của giải) nhờ “bàn thắng vàng” của Ilhan Mansız ở phút 94. Rất tiếc tại bán kết, Thổ Nhĩ Kỳ chịu thúc thủ khi gặp lại Brazil vì pha dứt điểm thành bàn duy nhất của Ronaldo béo. Trong trận tranh giải ba, đội bóng nằm giữa châu Âu và châu Á đã hoàn tất chặng đường lịch sử khi đánh bại chủ nhà Hàn Quốc với tỷ số 3-2. Trận đấu này tiền đạo Hakan Sukur đi vào lịch sử World Cup với pha ghi bàn nhanh nhất diễn ra ở giây thứ 10.